Người tiêu dùng tẩy chay hàng Trung Quốc
Chưa bao giờ vấn đề tiêu dùng lại nóng như hiện nay, bởi sau hàng loạt các vụ bê bối liên quan đến chất lượng hàng Trung Quốc (TQ) bị các cơ quan chức năng và báo chí phanh phui đã khiến người tiêu dùng (NTD) thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng quyết định tẩy chay hàng TQ.



Chị Thùy Dung nhà ở quận Tân Phú bức xúc: “Hết khô mực giả, trứng gà giả, cà phê giả, nội tạng thối, thịt bẩn, táo Fuji bọc túi độc, phòng khám bệnh vô y đức... giờ lại đến món giá ăn được trồng bằng cách tẩm hóa chất TQ cực độc, kém chất lượng. Sau vụ giá độc này không biết các cơ quan chức năng còn phát hiện ra bao nhiêu vụ thực phẩm được làm từ hóa chất nữa?”.

Người tiêu dùng Việt Nam tẩy chay hàngTrung Quốc

Cùng tâm trạng với chị Thùy Dung, nhiều chị em nội trợ khác khi xách giỏ đi chợ cũng đã thể hiện rõ thái độ “nói không” với các loại rau củ quả đẹp mắt, bóng loáng, căng mọng vì nghi ngờ là do TQ nhập sang. Một tiểu thương bán trái cây tại chợ Tân Định, Q1 cho biết “Từ khi báo chí viết nhiều về các loại trái cây trồng bằng chất kích thích thì hàng của tôi cũng ế luôn. Người ta có ghé xem qua rồi lắc đầu không mua vì sợ mua nhằm hàng TQ có tẩm thuốc. Nhiều chị em tiểu thương ở đây tình hình kinh doanh cũng không khá hơn”. Theo chị em nội trợ, không khó để nhận biết hàng TQ vì  hầu hết các loại rau, củ, quả Trung Quốc (TQ) đều có một ưu điểm nổi trội hơn hẳn hàng trong nước là hình thức rất đẹp, nhìn vào dễ có cảm tình ngay. Chính vì “ưu điểm” này mà khi chọn mua, người tiêu dùng nếu để ý có thể phân biệt rau nội và rau TQ qua hình dáng bên ngoài. Cầm hai ba củ khoai lang tây trên tay, chị Hà Anh nhà ở quận Bình Thạnh quả quyết “Chắc chắn đây là hàng TQ vì hàng Đà Lạt củ khoai nhỏ và trông xấu hơn”. Mặc dù NTD đã bắt đầu để ý nhiều đến chất lượng, xuất xứ của hàng hóa nhưng đây cũng mới chỉ là chọn lựa theo cảm tính, chưa có quy trình hay bất kỳ giấy chứng nhận nào của các cơ quan chức năng trong việc xác định rõ nguồn hàng. Thay vì ngồi đó “đoán già đoán non” nhiều chị em phụ nữ đã chọn giải pháp an toàn hơn là vào các siêu thị, các cửa hàng tiện lợi để có bữa cơm gia đình thật sự “sạch”.

Siêu thị - “chợ” an toàn

Cả tháng nay, khu gian hàng thực phẩm tươi sống của Co.opmart Đinh Tiên Hoàng vốn rộng rãi bỗng trở nên chật chội bởi khách hàng tập trung khá đông vào mỗi buổi sáng để mua thực phẩm. Mặc dù đã tăng cường lượng nhân viên phục vụ nhưng theo quan sát của chúng tôi vẫn không đủ để đáp ứng hết các yêu cầu của khách hàng. Thấy tôi hối thúc nhân viên cân hàng, bà Nguyễn Thị Mai – khách hàng Co.opmart xách túi môi trường xanh trên tay quay sang tôi nói: “Ráng đợi chút xíu đi cô, mua hàng ở đây cho an toàn”. Nói xong bà Mai đưa tay lấy túi thịt chị nhân viên vừa cân xong và bước tới lựa mớ rau mồng tơi được siêu thị đóng gói sẵn trên quầy kệ. Phần đông NTD hiện nay đến với siêu thị Co.opmart bởi theo họ ở đây hàng hóa có ghi rõ xuất xứ, thành phần, địa chỉ liên hệ...rất tiện lợi cho người mua trong việc kiểm tra nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Để có được “tiếng thơm” này, hệ thống Co.opmart luôn tuân thủ và thực hiện nghiêm túc trong các khâu kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi đưa hàng đến tay NTD.  Ngoài việc yêu cầu các nhà sản xuất phải cung cấp đầy đủ các giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm theo quy định của Nhà nước, tại Co.opmart luôn có bộ phận giám sát và kiểm tra tem nhãn sản phẩm, date hàng, nhiệt độ tủ đông, tủ mát..., nhân viên được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động như: quần áo, tạp dề, găng tay, khẩu trang....nhằm đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho NTD.
Nếu như trước đây NTD khi bước vào siêu thị đều có sự tính toán trong việc phải chi trả thêm cho các dịch vụ hiện đại (máy lạnh, kho đông, thang cuốn...) thì nay họ đã cảm thấy thỏa đáng vì đổi lại sức khỏe của họ được đảm bảo, bữa cơm được an toàn. “Từ khi đọc được những thông tin trên báo, tôi và gia đình đều thay đổi thói quen khi mua hàng. Trước kia, khi đi mua sắm tôi chỉ chọn những sản phẩm giá rẻ mà không cần biết xuất xứ, thì nay từ quần áo, giày dép, túi xách đến các đồ gia dụng như xoong chảo, nồi niêu, thậm chí cả những bút chì, sáp màu cho các cháu...tôi đều xem có phải nhãn hiệu “made in Việt Nam” không rồi mới quyết định mua” – bà Nguyễn Thu Hưng (Yên Hòa, Hà Nội) chia sẻ.

Thế giới kêu gọi đẩy lùi hàng Trung Quốc

Không chỉ người tiêu dùng trong nước, vừa qua Liên minh châu Âu (EU) vừa tổ chức chiến dịch truyền thông lớn khuyến cáo người dân không dùng đồ chơi TQ để tránh nguy hiểm cho sức khỏe. Các động thái tương tự cũng đã và đang diễn ra tại Mỹ, Nhật, Philippine và cả tại châu Phi.

Cụ thể, Liên minh Châu Âu đã phát động chiến dịch chống hàng TQ với khẩu hiệu “Đừng để tai nạn làm hỏng mùa hè của bạn". Chương trình đã cho ra mắt cuốn video hướng dẫn, kèm theo một loạt lời khuyên ví dụ như: Đừng mua đồ chơi không mang nhãn hiệu CE (của cộng đồng châu Âu), đừng tặng đồ chơi tháo rời cho trẻ nhỏ dưới 3 tuổi vì chúng có thể nhét vào miệng và đọc kỹ các ghi chú, cảnh báo khi sử dụng. Ông Antonio Tajani, Ủy viên châu Âu cho biết: “Giày dép của trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc có hàm lượng chrom vượt quá 6 lần mức cho phép, trong khi đây là một trong những độc chất gây ung thư nếu có hàm lượng vượt quá 3mg”. Và đó chính là một trong những lý do để EU phát động chiến dịch chống hàng TQ lần này.

Tháng 7 vừa qua, người dân Philippines sống tại Mỹ cũng kêu gọi chống hàng hóa TQ. Người lãnh đạo phong trào này, bà Loida Nicolas-Lewis nói rằng: "Tôi hy vọng chiến dịch tẩy chay hàng TQ sẽ không chỉ giới hạn ở Philippines mà còn lan rộng ra cả thế giới".

Trong khi cả thế giới đều lên tiếng phản đối hàng TQ, thậm chí người dân TQ còn tẩy chay hàng của nước họ thì việc NTD Việt Nam tham gia nói không với các sản phẩm có xuất xứ từ TQ, sẽ góp phần đẩy lùi tình trạng hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường và giúp cho các nhà sản xuất quan tâm hơn đến vấn đề chất lượng sản phẩm để có hoạt động tiêu thụ tốt.

Mộng Thường - Song Anh

Cách nhận biết hàng trái cây - rau củ Trung Quốc

Do được dùng nhiều chất kích thích nên hầu hết nông sản TQ thường có kích thước đều tăm tắp với cùng một kích cỡ.

Mặt khác, vì phải tẩm hóa chất để giữ tươi lâu nên hầu hết hàng TQ đều láng bóng, thời gian trữ được rất lâu, có thể để ở nhiệt độ bình thường bên ngoài từ 3 - 7 ngày mà không bị hỏng. Cụ thể, bông cải (xúp lơ) Việt Nam thì thường còn nguyên lá, phần bông chia không đều (chỗ thưa chỗ dày); còn hàng TQ thì bị cắt hết phần cuống và lá, màu trắng phau, bông cuốn rất chặt.

Đối với mặt hàng trái cây

Táo: Quả táo TQ có sử dụng chất bảo quản thường tròn, được bọc trong lưới xốp (lưu ý khi bóc lưới xốp ra thấy rất nhiều hạt trắng mịn đọng trên vỏ quả, đó là do hóa chất bảo quản vỏ bị bay hơi).

Chuối: Nên chọn nải chuối có lác đác những quả xanh, chín xen kẽ. Không nên chọn những nải chuối chín vàng đều, sờ thấy cứng, mẫu mã đẹp, cuống héo hoặc mốc.

Cam: Quả cam TQ rất to, bọc trong lưới, có màu vàng tươi do bị tẩm hóa chất và bị đánh bóng.

Quýt: Quýt TQ vỏ dày, bị đánh bóng, quả thấp và khi bóc ra hai đầu múi quýt thường khô.

Hồng: Hồng có chất bảo quản thường có vỏ rất đẹp, đỏ đậm (do bị bôi phẩm màu).

Dưa hấu: Phần lớn dưa hấu trên thị trường (loại vàng vỏ, vàng ruột) là của TQ nhưng lại lấy nhãn mác New Zealand. Loại quả này hay bị tiêm nước đường hóa học vào ruột nên khi bổ ra sau vài tiếng, ruột quả sẽ bị nhũn.

Nhãn: Đầu cuống của nhãn sử dụng chất bảo quản có mùi lạ lạ hăng hắc, mất mùi thơm tự nhiên, vỏ sáng hơn nhãn tự nhiên. Khi mua nhãn người tiêu dùng nên chọn những loại nhãn có cuống còn xanh, không mua những loại nhãn có vỏ trắng sạch, không mua nhãn đã rụng cành, thối nhũn… Khi ăn nhãn, tuyệt đối không được cho nhãn vào miệng cắn bởi vỏ nhãn có nhiều nấm, mốc và vi khuẩn, thậm chí có cả hóa chất bám trên bề mặt vỏ nhãn.

Đối với mặt hàng rau củ

Cà rốt TQ củ đỏ tươi, to đều, da láng bóng, phần lá bị cắt sạch; khác với cà rốt VN củ nhỏ, màu nhạt hơn, kích thước không đều nhau và còn nguyên phần cuống lá. Cũng giống như cà rốt, củ cải trắng TQ thường to, trắng muốt, chắc nịch, không có phần thân, lá; cải thìa, thân màu trắng đục, cọng to, lá xanh thẫm.

Bí đỏ TQ có hình bầu dục, điểm những sọc trắng dọc theo thân quả, khác hẳn bí đỏ hình tròn, dẹt của VN. Khoai tây TQ dài, dẹp, màu nhạt, da bóng, khác với khoai tây VN tròn, da ửng hồng. Cải bắp TQ tròn, lá cuốn chặt, cầm nặng tay; cà chua căng mọng, chín đều...

Mặt hàng rau, củ gia vị nhìn bằng mắt thường cũng dễ phân biệt. Tỏi TQ có củ và tép thường lớn, màu trắng, dễ lột vỏ hơn; tỏi VN có củ nhỏ, màu nâu tía. Hành tím TQ củ to, không có tép nhỏ bao quanh, màu đỏ nhạt. Gừng TQ cũng rất lớn, màu vàng óng, khác với gừng VN củ nhỏ, da sần sùi...
  Tags: